Master tư vấn KonMari - Chuyên gia ngăn nắp chứng nhận quốc tế do Marie Kondo đào tạo.
Kinh nghiệm gần 2000 giờ tư vấn trực tiếp và online cho hơn 200 gia đình thiết lập thói quen và duy trì trật tự ngăn nắp.
Hiện đang sinh sống ở Quảng Ninh.
*Marie Kondo (sinh năm 1984) là nữ tác giả và nhà tư vấn sắp xếp nội thất người Nhật Bản. Kondo đã viết 4 cuốn sách về các cách xếp đồ đạc, bán được hàng triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Ở Việt Nam, cô được biết đến rộng rãi với nickname "thánh nữ dọn nhà".
Chị Nga Mạc
Những màn dọn nhà từ học viên của chị Nga Mạc (Nguồn: Trang Min + Linh Lê - TikTok @viecnha_khongla_viecvat)
Chồng đòi ly hôn vì vợ quá bừa bộn
Chào chị Nga,
Có những công việc mình nghĩ sẽ không bao giờ làm, nhưng đến một cột mốc hay sự kiện thì bất ngờ "quay xe" theo đuổi nghề đó, vừa giải tỏa cho mình vừa giúp "chữa lành" cho người khác. Con đường công việc của chị có theo lộ trình này không?
Nếu dùng từ "chữa lành" thì không hẳn, đó chỉ là một quá trình thay đổi và hoàn thiện bản thân còn lại câu chuyện của mình khá đúng với lộ trình này.
Ngày xưa khi còn sinh viên, mình cũng như nhiều bạn trẻ khác với lối sống khá luộm thuộm. Mình thấy điều đó bình thường, đôi khi còn vui vẻ tận hưởng vì được tách ra khỏi bố mẹ, sống tự do. Nhưng khi lấy chồng có con thì các vấn đề bắt đầu khởi sinh, căng thẳng nhất là lúc cho con đi nhà trẻ và nhà mình cắt giúp việc.
Lúc đó mình nghĩ bừa bộn là do con còn nhỏ, chỉ cần con lớn thì sẽ ổn nhưng con chưa kịp lớn thì vợ chồng đã bất ổn. Cả hai thường xuyên mâu thuẫn những việc nhỏ nhặt như lau nhà, dọn nhà, gấp quần áo hay đồ đạc để lung tung. Chồng mình vốn ngăn nắp hơn, đồ dùng xong phải cất gọn vào chỗ cũ còn mình có đâu xài đấy và hay quên khiến anh ấy phải dọn lại. Bản thân mình ý thức được việc phải dọn dẹp và có thuê giúp việc vào cuối tuần nhưng sự gọn gàng chỉ duy trì trong chốc lát, ngay lúc đó rồi đâu lại vào đấy.
Những điều nhỏ nhặt như vậy tích lũy đủ thì thành điều lớn, chồng mình bắt đầu chán. Anh ấy hay càu nhàu, gắt gỏng hơn, không nhẹ nhàng như lúc trước và vợ chồng cũng xa cách nhau. Đỉnh điểm của sự việc và cũng là cú sốc với mình khi đó là anh bảo: "Nếu không ở được với nhau nữa thì chia tay đi".
Trước sự việc này, mình tìm đến các lớp học phát triển bản thân, tâm lý,... với mong muốn thay đổi tình hình. Cuối cùng mình gặp một chị tư vấn tâm lý và được khuyên nên quay về dọn dẹp ngôi nhà. Mình rất ngạc nhiên vì mình không lười, bao nhiêu năm nay vẫn dọn nhà, vẫn ý thức được vai trò trong gia đình và tìm giải pháp như thuê giúp việc cuối tuần, mua tủ cất đồ đạc,...
Sau đó mình tình cờ gặp được quyển Nghệ thuật bài trí của người Nhật của Kondo Marie và áp dụng những thứ mới tìm hiểu được, cứ cuối tuần là nghiêm túc dọn nhà trong 2 tháng tiếp theo. Khi dọn xong, mình không chỉ có một phương pháp mà còn có cách nhìn mới với cuộc sống, đó là luôn hỏi bản thân: "Điều đang làm có khiến mình vui không?". Mình mang câu hỏi này vào các vấn đề trong cuộc sống, bao gồm công việc và khoảng 1 năm sau - năm 2019, mình nghỉ việc ở ngân hàng.
Chị Nga hướng dẫn gấp quần áo trong một workshop
Thay đổi công việc có kéo theo thay đổi thu nhập không và chị có thấy hạnh phúc hơn so với trước đây?
Trước đây thu nhập của mình khoảng 10 triệu/ tháng, trong đó lương cố định hàng tháng là 7 - 8 triệu. Hiện tại thu nhập của mình rơi vào khoảng 30 - 40 triệu/ tháng, có tháng có thể lên đến 50 - 60 triệu.
Mình rất hạnh phúc với công việc này, không phải vì thu nhập tăng mà vì mình thấy vui vẻ, kể cả khi làm từ sáng đến tối. Hồi trước đi làm có gì bức xúc thì mình hay về nhà để xả, bây giờ thời gian nào làm việc thì làm hết sức còn đã về nhà là tập trung cho gia đình.
Trong suốt thời gian làm việc, có căn nhà hay tình huống nào khiến chị thấy ấn tượng?
Ấn tượng thì nhiều và thường đến từ những chủ nhà nhiều quần áo. Có nhà có tủ quần áo lên đến cả nghìn món trang phục, có nhà 3 - 4 tủ quần áo và để ở 3 - 4 phòng khác nhau. Đó là sự phân tâm, mất kiểm soát và cũng là nguyên nhân của đốt tiền vì không hình dung được mình có gì, cần gì.
Đứng trước trường hợp 1000 món quần áo như thế thì chị làm việc gì đầu tiên?
Việc tư vấn không phải cứ đổ quần áo ra rồi sắp xếp. Đầu tiên là bạn phải hình dung lại bức tranh mà bạn mong muốn. Trong bức tranh đó, không gian sống thế nào, bạn muốn sống cuộc sống ra sao,... Tiếp theo là xác định phong cách bạn theo đuổi, điều quan trọng mà bạn đang tập trung rồi mới có thể quay trở lại bắt đầu với quần áo.
Ví dụ một người mẹ trong vai trò bỉm sữa muốn quay trở lại công việc văn phòng thì khi lựa đồ, mình sẽ giảm thiểu những món đồ mang tính chất lôi thôi, xuề xòa đồng thời cần giữ lại những món đồ dùng trong công việc. Không những thế mình phải vạch ra nếu cần mua thêm thì phải bổ sung những món đồ nào để có thể đáp ứng được công việc đó về sau.
Thực tế nếu càng tích lũy những thứ không sử dụng được để hy vọng sẽ cần vào lúc nào đó tức là mình đang sống ở tương lai, không sống ở hiện tại. Khi tương lai quá nhiều, quá khứ cũng đầy thì mình không có thời gian ngồi ở hiện tại nữa, khiến cuộc sống càng lộn xộn.
Trong một căn nhà, chị thấy nơi nào tiết lộ rõ tính cách của gia chủ nhất?
Nơi nào càng kín thì càng dễ thể hiện tính cách gia chủ. Đó thường là những chỗ không ai nhìn thấy như tủ quần áo, tủ bếp, nhà kho,...
Những nơi kín đáo như tủ quần áo thể hiện rõ tính cách chủ nhà
Thuê giúp việc mà gia đình không có quy tắc là tạo thêm một mớ rắc rối nữa!
Hiện nay, nhiều người chọn thuê giúp việc nhưng họ luôn than phiền và cảm thấy không hài lòng. Dường như có một không gian sống như ý không nằm ở việc có người dọn nhà giúp mình?
Nói về giúp việc thì phải phân tách thành 2 tầng công việc: của chủ nhà và của giúp việc. Đại đa số mọi người cảm thấy thoải mái vì có giúp việc toàn thời gian, lúc nào cũng có người đi theo sau thu dọn và vấn đề được giải quyết tức thời. Nhưng nó không giải quyết được điều mấu chốt là quy tắc nề nếp trong nhà - thứ phải do chủ nhà đặt ra. Trong nhiều trường hợp, gia đình không có quy tắc nề nếp thì có thêm người giúp việc lại tạo thêm một mớ rắc rối nữa.
Một bên là thuê giúp việc 10 triệu/tháng và một bên là tham gia khóa học 5 triệu của chị rồi vẫn phải tự làm việc nhà, có vẻ như có tiền, có kiến thức thì càng không thể làm biếng được?
Nói là làm biếng thì chưa hẳn. Công việc trong nhà cũng giống như trong tổ chức đoàn thể, sếp làm việc của sếp (định hướng, chiến lược, kế hoạch) còn nhân viên làm việc của nhân viên (thực thi, báo cáo). Nếu sếp cứ nhảy vào làm việc của nhân viên thì nhân viên chỉ ngồi chơi. Đấy là vấn đề không biết cách phân chia công việc khoa học hợp lý nên khi có tư duy, kiến thức ngăn nắp thì sẽ biết cách sắp xếp trật tự công việc hiệu quả.
Khi học và có kiến thức thì mình biết làm việc trọng tâm, làm cái cần làm. Mình biết được chu trình công việc thế nào, giao việc cho ai, chồng làm gì, con ở độ tuổi nào làm được gì,... để chia việc cho mọi người. Mình cũng phân ra khu vực nào là riêng tư, cần phải tôn trọng và khu vực nào là sinh hoạt chung cần có trách nhiệm. Nó tạo nên nền chung trong gia đình, ngay cả khi không có giúp việc thì mọi thứ cũng đâu vào đấy. Đương nhiên nếu có giúp việc thì thời gian của mình càng được tiết kiệm để tập trung những việc quan trọng hơn.
Một căn bếp trước và sau khi dọn dẹp
Người ưa sống bừa bộn và người thích sự gọn gàng có điểm gì khác nhau, theo chị?
Sự khác nhau lớn nhất của 2 nhóm người này nằm ở tính logic và xuyên suốt được thể hiện ra hành vi khác nhau. Trong cùng một thời gian, người gọn gàng thường làm việc rất hiệu quả còn người bừa bộn thì cần thời gian để sắp xếp, kiểm tra và làm rất nhiều biện pháp để chốt được phần cuối cùng nên ít hiệu quả hơn.
Trong thực tế, người ta thường thích những thông tin như một trong những đặc điểm của người thông minh hay thiên tài là bừa bộn. Tuy nhiên người bừa bộn thành thiên tài là số ít còn người bừa bộn mà có cuộc sống làng nhàng thì rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần đối mặt với thực tế để có giải pháp ngăn nắp phù hợp với bản thân mình.
Bên cạnh đó bừa bộn và gọn gàng ở đây là người ta đang nói đến sự sáng tạo nhiều hơn. Những người lộn xộn mà vẫn kiểm soát được đồ đạc, biết cái gì dùng để làm gì, dùng xong sẽ cất ở đâu, trong nháy mắt họ có thể thu dọn gọn gàng thì trong mắt họ mọi chuyện vẫn tốt dù người khác có thể thấy bừa bộn. Nhưng khi người đó bị mất kiểm soát, chất chứa một đống mà chẳng biết để làm gì thì có vấn đề.
Nhà nào gọn gàng thì thường có điều kiện, nhà nào bừa bộn thường ít điều kiện, hay lo lắng về tài chính
Có mối liên hệ giữa sắp xếp không gian sống và tiền bạc không chị?
Liên quan mật thiết. Khi sắp xếp cuộc sống, mình phải xác định trọng tâm là gì rồi đặt nó ở đỉnh tam giác, các mục tiêu phía dưới sẽ đơn giản và dễ thực hiện hơn. Bức tranh tài chính cũng vậy, mình mua một thứ và đặt nó ở đỉnh tam giác, phía dưới là các cách sử dụng, ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau thì nó sẽ hiệu quả. Ngược lại, hình tam giác ngược là mua một đống mà công dụng một tí là việc đốt tiền.
Liệu một căn nhà ngăn nắp có giúp gia chủ kiếm tiền nhiều hơn không?
Chắc chắn có. Vì trước khi kiếm ra tiền, mình phải quản trị được đồng tiền đã. Không có ai giàu mà không biết quản trị đồng tiền vì nếu kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu thì mình đang đốt sức lực. Cái quan trọng nhất là mình phải quản trị tiền để có thể làm ít nhất nhưng vẫn được thoải mái, sung túc nhất. Đấy là điều mọi người mong muốn.
Sự gọn gàng thể hiện trong quản trị tiền hiệu quả là mình mua cái gì thì dùng cái đó, không mua về xong vứt xó rồi lại bỏ đi hoặc đem cho. Khi quản trị được đồng tiền rồi mình mới chuyển sang bước tiếp theo để tiền nở ra tiền. Đương nhiên, mình dùng tiền thông minh và hợp lý thì vấn đề tài chính sẽ suôn sẻ hơn. Nói cách khác nhà nào gọn gàng thì thường có điều kiện còn nhà nào bừa bộn thì thường ít điều kiện, hay phải lo lắng về tài chính.
Bản thân chị đã tiết kiệm như thế nào từ khi theo đuổi lối sống gọn gàng, khoa học?
Thời điểm 2018, trước khi có phương pháp dọn dẹp thì tiền sinh hoạt của gia đình rơi vào khoảng 25 - 30 triệu đồng/ tháng. Các khoản chi nhiều nhất tập trung vào quần áo, sách truyện và đồ chơi cho con, khám chữa bệnh. Những hạng mục này đốt tiền rất nhiều trong khi trọng tâm là chất lượng cuộc sống như ăn uống, đồ dùng hàng ngày lại không đảm bảo được. Hiện tại, sau khoảng 5 - 7 năm trôi qua, dù vật giá leo thang ít nhiều nhưng chi phí sinh hoạt của nhà mình lại giảm xuống, chỉ còn 20 triệu/tháng.
Có khách hàng nào mà chị tư vấn và giúp sắp xếp cuộc sống thành công rồi nhưng sau một thời gian họ gặp vấn đề trong cuộc sống, dẫn đến nhà cửa lại lộn xộn nên lại liên hệ với chị để giải quyết không?
Có. Vì cuộc sống thay đổi liên tục. Ai cũng cần học cách thích nghi và chuyển động theo cuộc sống. Vì thế những thời điểm khác nhau thì nhu cầu không gian và đồ đạc sẽ khác nhau. Ví dụ như con cái lớn hơn cần tách phòng hay chuyển đổi làm việc tại nhà, nếu học viên tự sắp xếp mà thấy không ổn thì mọi người cũng quay lại tìm mình để xin lời khuyên tổ chức không gian và cuộc sống mới.
Cảm ơn chị Nga vì những chia sẻ!