Thứ hai, 13/11/2023 09:08 (GMT+7)

KTS chỉ ra những lưu ý quan trọng khi xây nhà tầng cho gia đình có nhiều thế hệ

Lam Anh

Khi thiết kế những căn nhà có nhiều thế hệ cùng chung sống, tính công năng phải được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến yếu tố thẩm mỹ.

Ngày nay, việc chung sống hòa hợp giữa 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ, và con cái là điều bất cứ gia đình nào cũng mong muốn. Đây được coi là 1 niềm hạnh phúc lớn lao khi các thế hệ đều có thể bày tỏ tình cảm, chăm sóc và quan tâm lẫn nhau. Nhưng, nó cũng đồng nghĩa với việc bạn cần thiết kế một không gian sống đủ gắn kết mà vẫn đảm bảo sự riêng tư cho từng thành viên.

Để làm được điều này đương nhiên không dễ dàng. Nhưng đừng lo lắng, trong bài viết này, KTS Đoàn Mạnh (Nhà sáng lập, điều hành công ty thiết kế Combo Home) sẽ giải đáp cho bạn những vấn đề cốt lõi nhất để bạn có thể xây dựng một ngôi nhà tầng, đảm bảo yếu tố an toàn cho một gia đình có nhiều thế hệ cùng sống trong đó.

KTS chỉ ra những lưu ý quan trọng khi xây nhà tầng an toàn cho gia đình có nhiều thế hệ - Ảnh 1.

KTS Đoàn Mạnh cho biết, có rất nhiều lưu ý khi xây một căn nhà tầng dành cho các hộ gia đình có nhiều thế hệ sống chung, vì khi đó bạn sẽ cần phải đảm bảo yếu tố an toàn từ những chi tiết nhỏ nhất.

Căn nhà phải đảm bảo đáp ứng đủ công năng cho các thành viên

Dưới góc nhìn của 1 người làm KTS, anh Đoàn Mạnh - Founder Combo Home nhấn mạnh, khi thiết kế nhà cho gia đình có nhiều thế hệ ngoài yếu tố thẩm mỹ phải đảm bảo đủ công năng cho các thành viên chính là lưu ý quan trọng nhất.

Cũng theo KTS Đoàn Mạnh, khi xây dựng một căn nhà tầng cho gia đình có nhiều thế hệ, mọi người cần quan tâm tới cả việc lựa chọn kiểu thiết kế sao cho phù hợp.

"Đối với những căn nhà phố diện tích hẹp thì kiểu thiết kế nhà ống sẽ phù hợp vừa giúp tăng diện tích sử dụng mà vẫn đủ công năng. Còn đối với nhà ở tại các khu vực đất rộng như nông thôn có thể thiết kế dạng nhà 1 tầng 3 gian hoặc 1,5 tầng.

Về cơ bản, những nhà có nhiều thế hệ sống chung thường mỗi người có 1 suy nghĩ, lối sống, lối sinh hoạt theo từng thế hệ khác nhau. Nên khi thiết kế các căn nhà này thường là lối thiết kế hiện đại, tối giản sẽ phù hợp với hầu hết các thành viên trong gia đình", KTS Đoàn Mạnh gợi ý.

Ngoài kiểu cách thiết kế của căn nhà, không gian nhà ở phải luôn đảm bảo yếu tố thoáng mát và ánh sáng. Số lượng phòng thiết kế dựa theo số lượng thành viên, theo thế hệ và theo mối quan hệ trong gia đình để từ đó sẽ phân ra các loại phòng khác nhau, ví dụ: Phòng ngủ master, phòng ngủ thường, phòng chức năng và phòng khách, số lượng phòng vệ sinh sẽ được bố trí phù hợp cân đối.

Tiêu chuẩn thiết kế nhà an toàn

Hình ảnh một căn nhà tầng cho gia đình có nhiều thế hệ sống chung được KTS Đoàn Mạnh thiết kế và thi công.

Với kinh nghiệm và óc quan sát của mình, KTS Đoàn Mạnh cho biết: "Thông thường, nhà có nhiều thế hệ cần không gian lưu trữ đồ, không gian sinh hoạt chung hơn là vật liệu lưu trữ. Những không gian này thường là khoảng sân, kho, hay nơi trưng bày đồ sưu tầm chung. Ở những nơi này thường là hệ tủ nhiều tầng áp sát tường, vừa tiết kiệm diện tích vừa chứa được nhiều đồ".

Như mọi người đã biết, yếu tố an toàn của một ngôi nhà cần được đảm bảo trên nhiều phương diện, không phải chỉ từ kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, việc lựa chọn vật liệu để xây nhà được cho là không cần phải để tâm quá nhiều: "Việc lựa chọn vật liệu là tùy theo thẩm mỹ của chủ nhà và phong cách thiết kế của căn nhà. Những căn nhà sống nhiều thế hệ nhưng bao giờ cũng có 1 người trụ cột là người quyết định, nên vật liệu ở đây sẽ chỉ cần phù hợp với tài chính cũng như nhu cầu cần thiết của chủ nhà là đủ".

Mà ngược lại, mọi người cũng cần nắm rõ một số tiêu chuẩn thiết kế cho người già như sau:

+ Hành lang có tay vịn

+ Sàn chống trơn

+ Bậc phải thấp

+ Nhà vệ sinh có tay nắm đứng

+ Phòng tắm có bệ ngồi

+ Sàn sưởi đối với các vùng lạnh...

Khi thiết kế cho gia đình nhiều thế hệ cả trẻ lẫn già thì những phần sinh hoạt chung vừa thẩm mỹ vừa đảm bảo an toàn cho người già có thể bố trí là bậc thang thấp với cầu thang bộ; những nơi như ban công, lô gia, cầu thang,... phải có lan can, tay vịn đủ chiều cao tiêu chuẩn, đảm bảo chắc chắn, chịu lực tốt.

Những khu vực dễ bị ướt như phòng vệ sinh, sân vườn, sân phơi, tiền sảnh,... cần sử dụng vật liệu lát nền chống trơn trượt.

Hệ thống đèn trong nhà nên được bố trí hợp lý, vừa đảm bảo đầy đủ ánh sáng, vừa không gây chói mắt, không ảnh hưởng tới thị giác của người cao tuổi.

Khi phân chia mặt bằng công năng nên bố trí phòng ngủ của người lớn tuổi ở những khu vực không ồn ào, tránh đặt gần những nơi gây tiếng ồn như phòng karaoke, phòng kỹ thuật, phòng giặt đồ,... của gia đình.

Cuối cùng, nếu nhà bạn có diện tích rộng thì có thể bố trí không gian sinh hoạt phòng riêng cho người già ở tầng 1 được cho là lựa chọn tốt nhất.